Doãn Thị Quyên - 14:57 02/07/2025
Giải tríCùng chúng tôi review phim Út Lan: Oán Linh Giữ Của, bộ phim kinh dị Việt Nam đã thu hút sự chú ý của khán giả với doanh thu ấn tượng hơn 26 tỷ đồng chỉ sau 3 ngày công chiếu. Bộ phim nhanh chóng vươn lên dẫn đầu phòng vé trong thể loại phim kinh dị.
Vậy điều gì đã làm nên sức hấp dẫn của bộ phim này? Tất cả sẽ được tiết lộ trong bài review phim Út Lan: Oán Linh Giữ Của chi tiết dưới đây của chúng tôi nhé!
Là một trong những phim chiếu rạp tháng 6/2025 được mong chờ và săn đón nhất, Út Lan: Oán Linh Giữ Của đưa khán giả về miền Tây năm 1999, nơi chôn giấu một lời nguyền “giữ của”. Với tạo hình “cô dâu ma” ám ảnh, bối cảnh đậm chất dân gian và màn lột xác đầy ngoạn mục của Mạc Văn Khoa, bộ phim khiến người xem không thể rời mắt khỏi màn ảnh. Trước khi lý giải điều gì tạo nên sức hấp dẫn cho bộ phim, hãy cùng chúng tôi điểm qua một vài thông tin chính của tác phẩm này nhé!
Bên cạnh yếu tố tâm linh rùng rợn, Út Lan: Oán Linh Giữ Của còn gây chú ý khi quy tụ dàn diễn viên từ gạo cội đến những gương mặt trẻ của màn ảnh Việt. Dưới đây là những gương mặt đã góp phần làm nên thành công cho bộ phim.
Phương Thanh vào vai Lan, một cô gái trẻ trở về quê sau cái chết của cha và làm giúp việc cho nhà ông Danh. Đây là vai diễn chính đầu tiên của cô trong một bộ phim điện ảnh. Với gương mặt thanh tú và thần thái mộc mạc, Phương Thanh đã đem đến cho khán giả hình ảnh nhân vật Lan chân chất, e dè nhưng kiên cường đối mặt với những bí mật kinh hoàng.
Diễn xuất của cô được giới chuyên môn đánh giá tự nhiên, khắc họa tâm lý nhân vật Lan phù hợp với tông trầm của bộ phim. Tuy nhiên, ở một số phân đoạn cao trào, màn thể hiện của Phương Thanh chưa thực sự ấn tượng, và thuyết phục được khán giả.
Trong phim, Mạc Văn Khoa vào vai ông Danh, một người đàn ông góa vợ, sống một mình trong ngôi nhà chứa đựng nhiều bí mật đen tối. Không bó mình trong các vai diễn hài hước, ngô nghê, Mạc Văn Khoa đã có cú lột xác ngoạn mục khi hóa thân thành một nhân vật phản diện gai góc, tâm cơ, hung hăng và tàn nhẫn.
Với vai diễn ông Danh, Mạc Văn Khoa đã dành nhiều tâm huyết, từ học hát cải lương đến hóa trang thành cô đào hát. Với khả năng diễn xuất ấn tượng, Mạc Văn Khoa đã mang đến nhân vật ông Danh độc địa. Vai diễn này được giới chuyên môn đánh giá cao, đánh dấu bước chuyển mình ấn tượng trong sự nghiệp của Mạc Văn Khoa sau các phim trăm tỷ như Kẻ Ẩn Danh.
Quốc Trường vào vai Sơn, một nhà văn chuyên viết truyện kinh dị, đồng hành cùng Lan để khám phá bí mật trong ngôi nhà của ông Danh. Đây là vai chính diện hiếm hoi của anh sau hàng loạt vai phản diện ấn tượng trong các bộ phim như Về Nhà Đi Con, Kẻ Ẩn Danh.
Diễn xuất của anh trong vai Sơn được nhận xét rằng nhẹ nhàng, tự nhiên, phù hợp với nhân vật hiền lành, nhưng chưa để lại nhiều dấu ấn và có phần mờ nhạt hơn so với các nhân vật khác.
Mai Cát Vi vào vai Út Lan, nhân vật mang tạo hình cô dâu ma quái, bí ẩn với đôi mắt trắng dã và cách ăn mặc như nàng dâu ngày cưới. Mặc dù ít thoại, nhưng Mai Cát Vi vẫn để lại ấn tượng mạnh mẽ với khán giả bằng khả năng hóa thân nhân vật và biểu cảm hình thể tốt.
Dù còn trẻ, Mai Cát Vi đã có gia tài phim ảnh đồ sộ như Hai Phượng, Bóng Đè, Mẹ Ơi Bướm Đây,... Với vai diễn trong Hai Phượng, cô đã xuất sắc giành giải Ảnh hậu và trở thành Ảnh hậu trẻ nhất Liên hoan phim Việt Năm năm 2023 ở tuổi 14. Nữ diễn viên được kỳ vọng là gương mặt sáng của làng điện ảnh Việt.
Út Lan: Oán Linh Giữ Của lấy bối cảnh năm 1999 tại vùng quê miền Tây Nam Bộ, kể về Lan (Phương Thanh), một cô gái trẻ trở về quê sau cái chết của cha. Để mưu sinh, cô đã nhận lời đến chăm sóc ông Danh (Mạc Văn Khoa), người đàn ông trung niên sống một mình trong căn nhà nhiều giai thoại về oán linh giữ của.
Khi Lan chuyển đến, nhiều hiện tượng kỳ lạ bắt đầu xuất hiện như bóng ma áo đỏ lẩn khuất trong bóng tối, tiếng động bất thường giữa đêm,... Cùng lúc đó, Sơn (Quốc Trường), một nhà văn chuyên viết truyện kinh dị, cũng có mặt trong làng để điều tra về truyền thuyết ma quái tại ngôi nhà của ông Danh.
Lan và Sơn dần dần phát hiện ra quá khứ kinh hoàng bị chôn vùi, một bi kịch hôn nhân, một nghi lễ tàn độc và một linh hồn oán hận chưa thể siêu thoát. Mọi manh mối đều dẫn đến sự thật rùng rợn phía sau thân phận cô dâu ma.
Với kịch bản chặt chẽ, diễn xuất chân thực, hình ảnh rùng rợn, tạo hình “cô dâu ma” ấn tượng, Út Lan: Oán Linh Giữ Của không đi theo lối mòn của các dòng phim kinh dị trên thị trường là hù dọa thông thường, mà mang đến một trải nghiệm giải trí rợn tóc gáy.
Kịch bản của Út Lan: Oán Linh Giữ Của đi theo lối tuyến tính, tập trung hé lộ từng lớp bí mật về thân phận oán linh và quá khứ ông Danh. Những phân đoạn hồi tưởng về nghi thức ép gả cho người chết, câu thoại “Thà chết cũng không cưới người đã chết!” hay chi tiết ông Danh lấp xác cô dâu trong phòng kín khiến người xem “lạnh sống lưng”.
Tuy nhiên, ở đoạn cao trào phim, phân cảnh Lan mở cánh cửa cuối cùng nơi chứa xác cô dâu, lại diễn ra khá lặng lẽ, không đủ kịch tính. Hay cuộc đối đầu giữa oán linh với nhân vật chính chưa thực sự bùng nổ về mặt thị giác và cảm xúc. Phần kết của bộ phim được khán giả cho rằng quá “hiền” và khá dễ đoán.
Diễn xuất là điểm sáng trong phim, đặc biệt từ Mạc Văn Khoa, người vốn nổi tiếng với những vai diễn hài hước. Trong vai ông Danh, Mạc Văn Khoa đã hóa thân thành công vào nhân vật qua ánh mắt bất an, giọng nói nhỏ nhẹ, biểu cảm lẩn khuất, tạo cảm giác mơ hồ giữa người - ma - quỷ. Phân cảnh ông Danh run rẩy ôm hũ tro cốt và lẩm bẩm “Không ai được động vào của hồi môn…” khiến khán giả lạnh sống lưng vì sự điên loạn pha lẫn đau đớn.
Phương Thanh tiếp tục chứng minh khả năng diễn xuất chân thực của mình, đặc biệt trong phân cảnh Lan ngồi bật khóc giữa ngôi nhà sau khi biết sự thật về oán linh. Quốc trường, mặc dù không quá xuất sắc, nhưng anh vẫn thể hiện tròn vai nhân vật, giúp mạch phim liền mạch và dễ theo dõi.
Phim sử dụng tông màu xám tro - xanh lam là chủ đạo, góp phần tăng cảm giác lạnh lão. Góc quay hẹp và thấp, khiến người xem cảm giác bị bóp nghẹt như chính nội tâm của nhân vật. Đặc biệt, thiết kế ngôi nhà cổ với bức ảnh cưới cũ kỹ, các bức tượng Phật đổ nát và căn phòng khóa kín được ekip sản xuất xử lý tinh tế, có chiều sâu.
Tạo hình “cô dâu ma”, nhân vật oán linh với áo cưới đỏ, mặt trắng bệch, bướu lưng dị dạng, luôn đi kèm tiếng bước chân kéo lê, là điểm ấn tượng nhất của bộ phim. Nhân vật này không được xây dựng theo hướng jumpscare thường thấy của dòng phim kinh dị, mà xuất hiện âm thầm, lặp đi lặp lại như một lời nguyền, đúng với triết lý “giữ của” trong văn hóa dân gian.
Phim không vội vàng đẩy chi tiết mà kiên nhẫn tạo lớp không khí rùng rợn từ đầu đến cuối. Khán giả có thể cảm thấy nhịp phim chậm, nhưng đó lại chính là yếu tố khiến những cú twist nhỏ, như chi tiết ông Danh ép gả người con gái của mình cho người chết, trở nên đáng giá.
Phim sử dụng âm thanh nền là tiếng vọng rừng đêm, tiếng guốc gỗ gõ nền đất, và tiếng côn trùng, góp phần tạo nên cảm giác rờn rợn kéo dài thay vì hù dọa ngắn hạn.
Út Lan: Oán Linh Giữ Của là minh chứng cho nỗ lực nghiêm túc của điện ảnh Việt trong việc khai thác chất liệu văn hóa dân gian miền Tây theo hướng kinh dị. Dù khi triển khai vẫn còn một vài điểm hạn chế như cao trào chưa “nặng đô”, nhưng bộ phim vẫn gây ấn tượng với diễn xuất bùng nổ của Mạc Văn Khoa, tạo hình “cô dâu ma” đầy ám ảnh, bầu không khí rùng rợn.
Hy vọng bài review phim Út Lan: Oán Linh Giữ Của trên của chúng tôi, đã giúp bạn có thêm lý do để ra rạp và thưởng thức trọn vẹn tác phẩm này nhé!
Hỏi đáp & đánh giá Review phim Út Lan: Oán Linh Giữ Của: Chất liệu tâm linh dân gian đậm nét, Mạc Văn Khoa phá vỡ hình tượng cũ
0 đánh giá và hỏi đáp
Bạn có vấn đề cần tư vấn?
Gửi câu hỏi